May 20, 2016 / Tư vấn

Hiểu biết quy trình thiết kế giao diện web

Thiết kế giao diện là một công việc trong quy trình phát triển một Website. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không quan tâm chất lượng giao diện website. Chúng tôi xin trình bày các bước xây dựng giao diện web, nhằm giúp các bạn đạt hiệu quả thiết kế giao diện cao hơn.

Bài viết không đi sâu vào nghệ thuật thiết kế, mà chỉ nêu các bước nên làm với một dự án thiết kế giao diện web.

Quy trình bao gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định yêu cầu của khách hàng.
Bước 2: Phác thảo ý tưởng trên giấy
Bước 3: Đánh giá mẫu phác thảo
Bước 4: Thiết kế đồ hoạ bản đơn sắc
Bước 5: Phối màu cho giao diện Web
Bước 6: Xây dựng tài liệu về chuẩn CSS, clientsite script, ảnh, folder cho trang Web
Bước 7: Sử dụng các ngôn ngữ đánh dấu, lập trình để thiết kế giao diện.
Bước 8: Test giao diện trên các trình duyệt
Bước 9: Chuyển mã nguồn tới bộ phận phát triển Web

Bước 1: Xác định yêu cầu của khách hàng.

Mục tiêu của giai đoạn này là xác định chính xác yêu cầu hoặc tư vấn cho khách hàng. Yêu cầu là một điều kiện hoặc khả năng mà hệ thống phải tuân theo.

Nhiều khi bản thân khách hàng cũng không biết sẽ cần gì, nên khi xác định yêu cầu bạn nên xây dựng trước một biểu mẫu câu hỏi để lấy yêu cầu của khách hàng. Yêu cầu phải đạt những tiêu chí sau:

  • Yêu cầu phải bao quát giao diện, chức năng, cấu trúc nội dung, đối tượng xem Web site.
  • Trao đổi thông tin dựa trên các yêu cầu đã xác định trước khi tiếp cận khách hàng. Bạn phải nghiên cứu về yêu cầu chung của khách hàng trước khi tiếp cận.
  • Xây dựng bảng câu hỏi logic để chuyển đổi sang phân tích yêu cầu nghiệp vụ, yêu cầu hệ thống đơn giản, dễ dàng.
  • Đặt độ ưu tiên, lọc và theo dõi các yêu cầu.
  • Đánh giá khách quan các chức năng và hiệu năng.

Mẹo: để có thể hoàn thành Web nhanh chóng và chính xác nên đặt những câu hỏi:

Sau 3 năm nữa Website sẽ phục vụ mục đích gì?
Hãy liệt kê các tính năng mà bạn nghĩ ra được và đặt theo thứ hạng: Bắt buộc, Mong muốn và Tuỳ chọn.
Bạn cho biết 03 Website bạn ưa thích nhất, trong đó những điểm nào làm bạn thích và những điểm nào bạn chưa thích?

Bước 2: Phác thảo ý tưởng trên giấy

Mục tiêu của bước này là định hình bố cục của trang Web.

Nào giờ là lúc bạn thể hiện hoa tay của mình, để linh hoạt trong việc phác ý tưởng, bạn nên sử dụng bảng vẽ, bút chì, thước kẻ và tẩy. Dựa vào kinh nghiệm thành công của bạn, bạn thấy những tiêu chuẩn nào nên có:

Banner không quá 1/3 màn hình thực của người sử dụng (màn hình thực là màn hình của trình duyệt có thể xem được trang Web, đã bỏ đi các thanh tool bar của trình duyệt Web).
Sitebar không lớn quá 25% chiều rộng trang Web…..

Bạn cũng nên xây dựng chuẩn bố cục dựa trên nội dung đối với toàn bộ Web site. Web site là tập hợp của những trang Web, mỗi trang Web tập hợp các nội dung có mối liên quan hoặc không giữa các trang Web. Dựa vào nội dung, bạn chia trang Web làm 02 vùng:

Vùng template : Là vùng không hiệu chỉnh hoặc hiệu chỉnh rất ít xuyên suốt các trang Web của Website.
Vùng hiệu chỉnh: Là vùng có thay đổi nội dung trong hầu hết các trang Web của Website.

Bạn nên cân nhắc trước khi xác định vùng nào là vùng template hoặc vùng hiệu chỉnh, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến xây dựng mã CSS, HTML chung của giao diện Website.

Bạn cũng nên quy chuẩn các đối tượng trong bố cục để dễ trình bày, quản lý, theo dõi. Ví dụ: Ảnh là hình chữ nhật có đánh dấu x; chữ là đường kẻ,…

Nếu đây là một dự án phức tạp bạn nên tham khảo quy trình RUP và kết hợp với quy trình này để ra một giải pháp quản lý dự án phù hợp hơn.

Bước 3: Đánh giá mẫu phác thảo

Mục đích của bước này là đánh giá mẫu phác nào phù hợp với yêu cầu, mong muốn của khách hàng. Để tìm hiểu sâu hơn về thiết kế Web và Thương hiệu bạn.

Bạn nên có tối thiểu 03 mẫu phác trên giấy, sau đó bạn treo lên tường và mời những người khác cùng xem và đánh giá. Mẫu phác thảo đạt những yêu cầu phải trả lời được những câu hỏi như sau:

  • Họ thích mẫu nào?
  • Mẫu thiết kế có đáp ứng các yêu cầu của khách hàng không?
  • Tìm thông tin, chức năng có dễ không?
  • Đứng xem, bạn có thấy bố cục có rời rạc không? Có thẩm mỹ không?

Nếu câu trả lời không đạt yêu cầu trên bạn nên ngồi lại và vẽ tiếp, điều này sẽ giúp bạn giảm chi phí nhiều nếu bạn sử dụng máy tính để thiết kế. Sau khi chọn được một mẫu chúng ta chuyển sang bước 4.

Bước 4: Thiết kế đồ hoạ bản đơn sắc

Mục tiêu của bước này là đánh giá bản phác trên giấy khi chuyển sang đồ hoạ vi tính bố cục có phù hợp với yêu cầu và mong muốn của khách hàng hay không?

Sau khi phác thảo xong, bạn sử dụng công cụ đồ hoạ máy tính để thiết kế mẫu giao diện Web. Đầu tiên chúng ta cần xem bố cục trên Máy tính có hợp lý không, chính vì vậy chúng ta chưa phối màu cho các mảng màu, đường kẻ, chữ cho trang Web, tất cả các bạn để thang màu xám để bước tiếp theo phối màu dễ dàng hơn. Nếu bạn phối màu trong giai đoạn này bạn sẽ phải đối mặt với hai rủi ro: Sai bố cục và sai phối màu. Tuyệt đối không để màu trắng và đen với những vùng muốn phối màu khác hai mầu trên.

Nếu bạn sử dụng công cụ đồ hoạ, chúng tôi đề xuất sử dụng Photoshop để áp dụng các chuẩn thiết kế giao diện dễ dàng hơn. Ví dụ đặt tên, sắp xếp folder, phân cấp folder, áp màu cho layer,…

Một số chuẩn dùng trong thiết kế đồ hoạ vi tính được định nghĩa như sau:

Website chia ra 3 phân vùng chính với tên viết hoa bằng tiếng Anh: TOP,MIDDLE, BOTTOM. Ba phân vùng này tương ứng với phần trên cùng, phầnthân và chân trang Web.

Trong các phân vùng, để phân biệt các vùng khác nhau thì được đặttên tương tự nhưng có dấu chấm “.” trước tên. Ví dụ: .TOP, .MIDDLE,.BOTTOM, .LEFT, .RIGHT
Hình ảnh và Chữ được phân bố vào 02 thư mục riêng: IMG và TXT…

Sau khi căn chỉnh bố cục và thiết kế xong, bạn nên in ra và lại treo lên tường mời mọi người đến đánh giá giống như bước 3. Đánh giá hiện giờ cần phải trả lời những câu hỏi như sau:

  • Tìm thông tin, chức năng có dễ không? Không dễ vì sao? Do độ tương phản, kích cỡ, …?
  • Trình bày thông tin quan trọng có dễ tìm với giới hạn của màn hình thực hay không?
  • Giao diện có dễ đọc, dễ sử dụng với người dùng mục tiêu hay không?
  • Giao diện có thể hiện ra tính cách riêng hay không?

Bước 5: Phối màu cho giao diện Web

Khi bản đơn sắc đạt yêu cầu, bạn chuyển sang phối màu cho giao diện Web. Khi phối màu cho giao diện bạn nên tuân thủ các phương pháp chẳng hạn như sau:

Dựa vào màu sắc yêu cầu từ bảng câu hỏi để đưa ra phương pháp phối màu cho Web site. Có 1 màu chủ đạo, 1 màu thứ cấp và các màu chỏi để tăng phần sinh động cho Web.
Với màu nền là màu pha gam xám sẽ có kiểu phối màu riêng. Ví dụ phần nội dung sẽ có màu đỏ, vàng chanh, vàng, cam, xám, da trời,… tuỳ thuộc vào mục đích của Web site.
Với text nên tối đa 3 màu, 3 font, 3 cỡ chữ, 3 kiểu chữ, 3 kiểu trace, kerning.

Mẹo: Giai đoạn phối màu rất dễ bị ảnh hưởng bởi màu sắc của ảnh ( ví dụ banner).

Đây là điểm có lợi nhưng cũng là điểm có hại cho thiết kế giao diện Website. Nhiều người ban đầu chọn ảnh cuốn hút và truyền đạt chính xác thông điệp của Website và giờ họ chèn vào để lấy cảm hứng thiết kế từ ảnh. Một số người không có kiến thức về media hoặc không có đánh giá đúng mức hiệu quả của ảnh đem lại cho Website, họ chọn những tấm ảnh không đúng thông điệp, từ đó họ thiết kế nhầm mầu sắc do ảnh hưởng từ ảnh.

Bước 6: Xây dựng chuẩn CSS, clientsite script, ảnh, folder cho trang Web

Mục đích của giai đoạn này giúp Website dễ bảo trì, giảm mã, nội dung hiển thị tốt hơn với tỉ lệ mã thấp, linh động trong định nghĩa kiểu. Và quan trọng hơn, nó giúp cả quy trình sản xuất, triển khai, bảo trì ít rủi ro hơn.

Các chuẩn bao gồm:

Định nghĩa vùng của site, trang Web, các vùng trong một thẻ DIV
Chuẩn đặt tên cho nhãn CSS, ảnh
Chuẩn đặt tên cho các thư mục chứa các thành phần của trang Web
Chuẩn đặt tên cho tệp tin CSS, HTM, JS, XML

Ví dụ trong một thẻ DIV chúng ta định nghĩa như sau:
TL: Top-Left: Chỉ vị trí trên cùng, bên trái
TC: Top-Center: Chỉ vị trí trên cùng chính giữa
TR: Top-Right: Chỉ vị trí trên cùng, bên phải
ML: Middle-Left: Chỉ vị trí làm việc bên trái
MR: Middle-Right: Chỉ vị trí làm việc bên phải
BL: Bottom-Left: Chỉ vị trí dưới cùng, bên trái
BC: Bottom-Center: Chỉ vị trí dưới cùng chính giữa
BR: Bottom-Right: Chỉ vị trí dưới cùng, bên phải

Mẹo: người thực hiện bước 6 phải có tư duy về HTML, CSS và lập trình để từ đó đưa ra một giải pháp GUI tận dụng được điểm mạnh của các công nghệ ứng dụng vào phát triển Web. Ở mức độ cao cấp hơn, những người này phải có kiến thức sâu rộng về Thương hiệu, Media, Marketing, Bán hàng, Chăm sóc khách hàng, từ đó cô đọng quy trình hoạt động trên thành những vòng lặp có thể kiểm soát từ đó áp dụng vào thiết kế giao diện.

Bước 7: Sử dụng các ngôn ngữ đánh dấu, lập trình để thiết kế giao diện

Mục đích của giai đoạn này là thiết kế Web bằng HTML, CSS ( Flash, JS, AJAX, … nếu có)

Chúng ta chuyển tải giao diện đồ hoạ sang trang Web.
Nếu bạn chỉ sắp xếp bố cục, kết cấu của trang Web thì nên dùng HTML. Bạn có thể sử dụng chương trình Adobe ImageReady CS2 để cắt ảnh ra thành trangWeb.
Nếu bạn muốn dàn trang, định kiểu cho các kết cấu của trang Web, bạn nên sử dụng CSS và bước 6 rất có ích với bạn.

Công việc của một người thiết kế Web lúc này giống như một người lập trình nhiều hơn là một nhân viên thiết kế. Anh ta chỉ cần hiểu rõ cách biểu diễn phông chữ, màu sắc, canh lề, các loại đường, nét, chiều cao,độ rộng, ảnh nền các loại, ảnh, xác định vị trí cho các khối… sao cho giống các bản thiết kế đồ hoạ nhất.

Mẹo: người thực hiện thực hiện bước này phải hiểu thấu đáo về HTML, CSS, JS nếu không giao diện sẽ hiển thị không như bản vẽ đồ hoạ vi tính trên nhiều trình duyệt khác nhau.

Bước 8: Kiểm thử giao diện trên các trình duyệt

Mục tiêu của giai đoạn này là kiểm soát việc hiển thị chính xác trang Web như giao diện đồ hoạ của bước 5 trên các trình duyệt Web khác nhau.

Tối thiểu chúng ta phải kiểm soát việc hiển thị đúng như giao diện thiết kế trên các trình duyệt:

  • Microsoft Internet Explorer các phiên bản
  • Firefox
  • Safiri
  • Opera
  • Netscape
  • Mozilla
  • Chrome

Mỗi Website đều nhắm đến một số phân khúc khách hàng, có một định vị và thị trường mục tiêu. Rất ít Website có thể phục vụ tốt toàn bộ các trình duyệt Web, nên bạn cần nghiên cứu người dùng cuối mục tiêu của mình dùng trình duyệt Web nào và thiết kế sao cho hiển thị tốt trên các trình duyệt đó.

Bước 9: Chuyển mã tới bộ phận lập trình

Mục tiêu của giai đoạn này là chuyển các trang Web hiển thị tốt trêncác trình duyệt chính cùng với các thành tố của trang Web tới bộ phận lập trình.

Phải chắc chắn bộ phận lập trình cũng hiểu được yêu cầu bắt buộc của giao diện và chuẩn thiết kế của bước 6. Thông thường các yêu cầu và chuẩn này được quản lý dự án hoặc trưởng nhóm thông báo trước để các bộ phận không hiểu nhầm nhau.

Các yêu cầu bắt buộc và chuẩn thiết kế không chỉ được chuyển tới bộ phận lập trình mà còn chuyển tới bộ phận kiểm thử ( test) để họ có thể xây dựng các kịch bản kiểm thử, thông qua đó họ kiểm tra được chất lượng của dự án. Nếu có phát sinh lỗi, họ sẽ thông báo lại bộ phận thiết kế và lập trình để sửa lỗi



Leave a Comment